Điểm đến nổi bật
Trải dài hàng ngàn mét men theo triền đồi dọc cao nguyên Mương Phuôn và về cuối phía Bắc của dãy núi Trường Sơn, Cánh đồng Chumlà một khu vực văn hóa lịch sử khá nổi tiếng của du lịch Lào, nơi đây rộng khoảng 25ha, nơi hiện diện 1.969 cái chum lớn, nhỏ được phân bố tại 52 địa điểm chính. Ở nói đó, những chiếc chum đá vẫn lặng lẽ nhẫn nại chôn chân trên cánh đồng. Bí ẩn và hiện hữu cùng tồn tại nơi đây. Thuở nào xa xưa, cánh đồng đã chứng kiến sự ra đời và tồn tại của những chiếc chum đá? Đá ngàn đời vẫn lặng lẽ ôm giấu sự thật và chẳng thể cất lời. Thấy cuộc đời chỉ là một thoáng ngắn ngủi, chỉ có đất trời là mãi mãi trường tồn…
Nhìn từ xa, cánh đồng Chum như một bàn cờ với quân cờ là những cái chum lổn ngổn trông rất kỳ lạ, chỉ khi đến gần mới thấy chúng rải rác từng nhóm, cái đứng, cái nghiêng, cái chìm xuống một nửa, lẫn lộn vào nhau chứ không thấy dấu ấn của một trò chơi xếp đặt.
Những cái chum được tìm thấy ở đây có đủ kích cỡ, từ nhỏ to đến cao thấp và hình dạng cũng khác nhau: cái thắt núm, cái miệng thẳng, cái vuông vức, cái hình trụ, cái cao thon và không cái nào giống cái nào. Phần lớn cao chừng 1 đến 2m, nặng trung bình từ 600kg đến 1 tấn (cái lớn nhất cao 3,25m, cái nặng nhất tới 14 tấn). Tất cả đều được làm từ chất liệu đá, chủ yếu là đá granite. Một số chum được làm từ đá sa thạch có chứa thạch anh fenspat và mica. Bên trên mỗi chiếc chum còn có những khắc chạm theo hình dáng người hay động vật cùng một số biểu tượng khác. Người ta còn tìm thấy các tảng đá bằng gần những chiếc chum này, có lẽ là nắp đậy chum nhưng vì lý do nào đó, chúng đã bị loại bỏ hay dùng vào những mục đích khác. Hiện tại chỉ còn một cái chum duy nhất là có nắp.
Những câu chuyện của người Lào xoay quanh những cái chum đá cũng thật thú vị. Có truyền thuyết cho rằng những người khổng lồ đã từng định cư ở khu vực này chính là chủ nhân của những cái chum khổng lồ kia. Truyền thuyết khác lại cho rằng, một vị vua cổ đại tên là Khun Cheung đã tiến hành cuộc chiến chống lại kẻ thù. Sau khi thành công, ông đã cho làm những cái chum lớn để ủ men làm rượu khao quân và ăn mừng chiến thắng. Cũng có ý kiến khác cho rằng, do Xiêng Khoảng nằm trên cao nguyên với hai mùa nắng mưa rõ rệt - khi mưa về thì thối đất còn nắng hạn đến cong queo, vì vậy mà người xưa đã phải làm những cái chum khổng lồ để tích chứa nước…
Điều khó hiểu là những ngọn núi cách khu vực Cánh đồng Chum đến hàng chục cây số và để vận chuyển hay khắc đẻo các khối đá thành những cái chum to lớn như vậy chắc chắn phải qua một quá trình. Thực tế những cái chum này đã được làm vào những giai đoạn khác nhau, thậm chí cách nhau hàng thế kỷ. Cho đến nay, tuy có nhiều giả thuyết khác nhau được các nhà khảo cổ đưa ra để lý giải về nguồn gốc, vai trò của những cái chum ở Cánh đồng Chum, song những lý lẽ này đều chưa đủ sức thuyết phục và có thể đó sẽ là một bí ẩn không bao giờ tìm được lời giải đáp (!)…
Năm 1909, lần đầu tiên thế giới phương Tây được biết tới những cái chum khổng lồ do phát hiện của Vinet - một viên thuế quan người Pháp. Đến năm 1923, Henri Parmentier - nhà khảo cổ người Pháp đã có dịp đến Cánh đồng Chum nhưng cả hai ông đều đã không có phát kiến gì về mục đích của các chum này. Mãi đến năm 1930, Cánh đồng Chum mới được nghiên cứu tường tận do bà Madeleine Colani thuộc trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp (École Française d’Extrême-Orient).
Trong hai cuốn Mégalithes du Haut-Laos (Cự thạch cổ vùng Thượng Lào - 1935), bà Madeleine Colani đã khẳng định “Những cái chum khổng lồ này không phải là những chum ủ rượu vì chẳng có dấu vết nào chứng minh điều đó cả.” Bà lý luận: “Chẳng ai lại mất công đục đá tảng làm những cái chum khổng lồ và chỉ để ủ rượu ăn mừng chiến thắng. Làm được ngần này chum chắc chắn phải mất vài chục năm. Ai lại ăn mừng chiến thắng sau vài chục năm?”. Chính bà đã đưa ra giả thuyết mỗi cái chum là một cái quách chôn người chết.
Giả thuyết của Madeleine Colani càng được củng cố khi bà phát hiện ra những dấu vết xương, răng người, những vòng tay bằng đồng thau, những hạt chuỗi bằng thủy tinh và đá carnelian… trong những cái chum khổng lồ tại Cánh đồng Chum, cả những nồi đất đựng xương người chôn chung quanh chum. Trong quá trình tìm hiểu, bà đã bắt gặp một cái động trong đồi đá vôi gần Bản Ang, có lòng động xuyên thẳng lên đỉnh đồi tựa như hai ống khói tự nhiên với nhiều vết nám đen trên vách mà bà cho là đã được sử dụng làm lò hỏa thiêu người chết. Sau này khi nghiên cứu về bộ tộc Phuôn - cư dân của vùng đất này, bà cũng đã phát hiện thêm phong tục chôn người chết trong chum (mộ chum) theo truyền thống của người Phuôn, phù hợp với thời kỳ hình thành Cánh đồng Chum. Có điều khi nghiên cứu, phân tích carbone những xương trong chum, trong nồi, các nhà khoa học ngạc nhiên nhận ra rằng tuổi xương còn cao hơn tuổi chum.
Sau khi bà Madeleine Colani mất (1866 - 1943), việc nghiên cứu về Cánh đồng Chum đã bị chìm vào quên lãng. Chiến tranh và chính trị đã ngăn cản việc khai quật thêm khu vực Cánh đồng Chum. Mãi đến năm 1994, một nhà khảo cổ học người Nhật tên Eiji Nitta đã đào bới cẩn thận vùng đất quanh một số chum đá lớn. Khi ông đào sâu xuống khoảng 30cm thì phát hiện một hố nhỏ có chứa xương người. Tuy nhiên, Nitta không tìm thấy bất kỳ dấu vết nào cho thấy người ta đã từng chôn các di cốt bên trong số chum này. Điều này một lần nữa khiến các nhà khảo cổ học đặt ra giả thuyết có lẽ người xưa tạo ra những chum đá để tưởng niệm người chết hoặc dùng chúng để đặt đồ đạc cho người chết.
Cho đến nay, Cánh đồng Chum vẫn còn là điều bí ẩn đối với các nhà khoa học. Đúng như nhận định của bà Julie Van Den Bergh - nhà khảo cổ tham vấn cho cơ quan Liên Hợp Quốc UNESCO trong dự án nghiên cứu chung về Cánh đồng Chum với Lào, bí ẩn về Cánh đồng Chum cũng giống như sự bí ẩn của các tượng người trên đảo Phục Sinh (Easter thuộc Chile - Nam Thái Bình Dương), bởi chưa ai trả lời được các câu hỏi: Ai làm ra các chum này? Họ làm khi nào? Mục đích gì?…
Trong thời kỳ chiến tranh (1964 - 1973), khu vực Cánh đồng Chum phải hứng chịu hàng triệu tấn bom, mìn do không quân Mỹ rải xuống, trở thành một trong những địa điểm khảo cổ nguy hiểm nhất thế giới. Cũng do biến cố chiến tranh, Cánh đồng Chum trong một thời gian dài bị chìm vào quên lãng. Mãi đến năm 1989, trong trào lưu mở cửa và đón khách du lịch, nơi đây mới thấy lại bóng người. Tuy vậy, chỉ sau khi khu vực Cánh đồng Chum được gỡ sạch bom mìn thì các nhà khảo cổ mới có thể tự do nghiên cứu để đưa ra lời giải đáp cho những vấn nạn xưa nay còn bỏ ngõ.
Du khách đến Cánh đồng Chum dễ dàng bắt gặp những biển báo mang dòng chữ “MAG” ghi dấu nơi từng có bom mìn. Hiên nay khu vực Cánh đồng Chum đang được các chuyên gia thuộc Tổ chức UNESCO nghiên cứu, khảo sát lại vị trí, đánh dấu toàn bộ số chum để có thể đưa Cánh đồng Chum vào danh sách công nhận di sản văn hóa thế giới. Dự án bao gồm việc gỡ mìn chưa nổ trong khu vực còn sót lại sau một thập niên chiến tranh, chắc chắn sẽ còn ảnh hưởng tiêu cực đến hình dáng của một số chum.
Tuy là khu vực tiềm ẩn nhiều hiểm họa, nhưng từ lâu Cánh đồng Chum đã trở thành một địa chỉ du lịch nổi tiếng khắp thế giới. Có thể nói chính vẻ đẹp khác lạ và những câu chuyện huyền bí về nguồn gốc những cái chum chưa có hồi kết này đã có ma lực hấp dẫn ngày càng nhiều du khách đến với Cánh đồng Chum. Hiện nay du khách chỉ mới được phép đến thăm 3 địa điểm quanh thị xã Phonesavanh: địa điểm 1 hay Bản Ang với khoảng 250 chum, địa điểm 2 hay Lắt Sén với chừng 100 chum và địa điểm 3 hay Bản Sua cũng có chừng 100 chum (cách thị xã Phonesavanh theo thứ tự 12, 23 và 28 km) nhưng chỉ với chừng đó thôi, ước tính mỗi năm Cánh đồng Chum cũng đã thu hút một triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế chiếm đến 60%.
Hiện nay Cánh đồng Chum được xếp vào hàng 7 kỳ quan thế giới bí ẩn nhất(*) mà nhân loại chưa tìm được giải mã. Với những gì mà Chính phủ Lào và Tổ chức UNESCO đang tiến hành, hy vọng toàn bộ Cánh đồng Chum sẽ sớm được “giải phóng”, để du khách đến đây có thể thoải mái chạm tay vào những khối đá sần sùi mà mơ hồ cảm nhận những bí ẩn sâu lắng đang chìm khuất vào dĩ vãng xa xăm…
Tin tức liên quan
Tour miền Trung
Tour miền Bắc
Tour Lễ Hội
Tour khối asean
Hình ảnh
Video